Nguồn: korea.net
Bài: Yoon So-jung, phóng viên Korea.net
Ảnh: Jeon-whan, phóng viên Korea.net
Phối hợp: Viện nghiên cứu Ẩm thực Hàn Quốc
Công thức từ "100 món ăn Hàn Quốc được yêu thích nhất"
arete@korea.kr
Bánh Yaksik là món ăn có lịch sử từ 1.500 năm nay. Trong món ăn này có chứa đựng câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và loài vật, bởi món ăn được làm ra để báo đáp công ơn của một con quạ đã cứu sinh mạng nhà vua. Bánh Yaksik được nhắc đến trong "Ghi chép thời Tam Quốc" (Samguk Yusa) - một tuyển tập các giai thoại về ba nước Silla, Goguryeo, Baekje do nhà sư Iryeon (1206 - 1289) thời Goryeo ghi lại. Khi nhà vua đời thứ 21 của nhà nước Silla là Soji (479-500) đi dã ngoại vào ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) thì bắt gặp một con quạ và một con chuột. Con chuột nói với nhà vua bằng tiếng người rằng hãy đi theo con quạ. Nhà vua thấy lạ mới sai một hạ thần đi theo con quạ xem sao. Con quạ dẫn người hạ thần đến một hồ nước và một lão ông từ trong đó xuất hiện. Lão ông đưa cho hạ thần một phong thư, trên đó có viết "Nếu mở phong thư sẽ có hai người chết, nếu không mở phong thư sẽ chỉ có một người chết". Nhà vua cho rằng "Một người chết còn hơn là cả hai người đều chết" và định không mở phong thư, nhưng rồi lại đổi ý mở phong thư khi người hạ thần nói "Một người là ý chỉ nhà vua". Khi nhà vua mở phong thư, ông tìm thấy một lá thư viết rằng "Hãy quay về cung và bắn cung tên vào hộp đàn geomungo". Nhà vua làm theo lời lá thư, quay trở về cung và bắn cung tên vào chiếc hộp đàn geomungo thì thấy thi thể của hai người trong đó. Một nhà sư và một người thiếp của vua âm mưu sát hại nhà vua đang trốn trong đó. Từ đó người ta kể rằng nhà vua đã chọn ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) hàng năm là ngày cảm tạ đến con quạ đã cứu mạng nhà vua và sai người làm đồ cúng là món bánh Yaksik có táo ta và hạt dẻ là những món mà con quạ yêu thích. Món bánh Yaksik có nguồn gốc trong câu chuyện trên là món ăn được làm từ gạo nếp hấp chín, táo ta, hạt dẻ, hạt thông, trộn đều với dầu ăn, mật ong và xì dầu. Món bánh này còn được gọi là Yakbap hay Yakban và bởi có nhiều nguyên liệu tốt cho sức khoẻ giống như thuốc (tiếng Hàn là "Yak") nên gọi là Yaksik. Ngoài ra, mật ong trong tiếng Hàn còn gọi là "Yak" và món ăn có mật ong này gọi là Yaksik. Các ghi chép lịch sử nhắc đến món Yaksik có thể thấy trong các văn tự thời Joseon. Heo Gyun, một chính trị gia, nhà thơ, tiểu thuyết gia, học giả và là một nhà văn đã viết trong cuốn "Domundaejak", một cuốn sách về cao lương mỹ vị và sản vật của Hàn Quốc, rằng, "Người Trung Quốc thích món Yakban. Họ học theo và gọi đó là món 'Goryeoban'"."Yeorang Sesigi", một cuốn sách khác thời Joseon của tác giả Kim Mae Sun viết năm 1819 về các lễ nghi hàng năm ở Hán Thành (tên gọi Seoul cũ), viết rằng "Vào dịp Rằm tháng Giêng, khi các sứ thần sang Trung Quốc đã mang theo bánh Yaksik và giới quý tộc của Trung Quốc rất thích món ăn này".
한국 음식 - MÓN ĂN HÀN QUỐC//BÁNH YASIK
Bánh Yaksik thường được ăn vào dịp Rằm tháng Giêng, là món ăn gồm có nhiều nguyên liệu tốt cho sức khoẻ như hạt dẻ, táo ta, hạt thông, mật ong. Ngày nay nhiều người làm món bánh Yaksik để ăn trong cả ngày Tết Âm lịch và các bữa tiệc. Để làm được món bánh Yaksik cần nhiều công sức và thời gian bởi món ăn được làm từ nhiều nguyên liệu và phải hấp hai lần.
Các nguyên liệu chính của Yaksik là gạo nếp, hạt dẻ, táo ta, hạt thông và muối.
** Nguyên liệu và thành phần
270g gạo nếp (1,5 cốc), 1,6kg nước nấu gạo nếp (8 cốc)
Nước muối: 45g nước (3 thìa súp), 2g muối (1/2 thìa cà phê)
45g hạt dẻ (3 hạt), 20g táo ta (5 quả), 3,5g hạt thông (1 thìa cà phê)
Nước lọc hạt táo ta: 5 hạt táo, 200g nước (1 cốc)
Gia vị tẩm ướp Yaksik: 15g xì dầu (2,5 thìa cà phê), 32g nước sốt Yaksik (2 thìa súp), 36g đường nâu (3 thìa súp), 0,5g bột quế (1/4 thìa cà phê), 6,5g nước lọc hạt táo (1/2 thìa cà phê), 38g mật ong (2 thìa súp), 24g đường (2 thìa súp), 6,5g dầu vừng (1/2 thìa súp)
Nước sốt Yaksik: 24g đường (2 thìa súp), 4g dầu ăn (1 thìa cà phê), 2g tinh bột (1/4 thìa súp), 45g nước (3 thìa súp)
2kg nước để hấp bánh (10 cốc)
** Chuẩn bị nguyên liệu
1. Rửa sạch gạo nếp, ngâm trong nước khoảng 3 tiếng, sau đó để ráo nước khoảng 10 phút.
2. Lau sạch táo bằng khăn, tỉa tròn và chia thành 6 phần (16g). Hạt dẻ bỏ vỏ và chia thành 6 phần.
3. Hạt thông bỏ đầu và lau sạch bằng khăn.
Ảnh: Cho đường vào nồi, bật lửa vừa để đường chảy ra và chuyển thành màu nâu giống caramel. Cho dầu ăn và tinh bột vào, đảo đều đun sôi là thành nước sốt Yaksik. Nước sốt này tuy không ngọt nhưng giúp làm bật lên hương vị của nguyên liệu nên có thể dùng cho không chỉ món Yaksik mà còn dùng cho các món khác như Chapche.
Sau khi đun sôi nước trong nồi hấp thì trải một tấm vải ướt ra, sau đó cho gạo nếp vào hấp, rắc đều muối. Lấy đũa gỗ đảo đều sau đó hấp thêm khoảng 30 phút nữa. Để làm được Yaksik ngon thì hạt gạo phải chín tới, không sượng cũng không nát.
** Cách làm
1. Cho nước vào trong nồi hấp, đun ở lửa to khoảng 9 phút khi có khói bay ra thì trải một tấm vải ướt, cho gạo nếp vào, hấp trong khoảng 20 phút thì cho nước muối vào đều khắp gạo. Dùng đũa gỗ đảo đều và hấp thêm 30 phút nữa.
2. Cho hạt táo ta và nước vào nồi, đậy nắp, đun sôi ở lửa vừa khoảng 15 phút và cho ra giá lọc lấy nước.
3. Cho đường vào nồi, đun ở lửa vừa khoảng 3 phút khi đường tan thì rót dầu ăn vào. Đường tan hết chuyển sang màu nâu thì cho tinh bột vào, khuấy đều, đun sôi khoảng 1 phút thì xong nước sốt Yaksik.
4. Khi gạo nếp mới hấp còn nóng thì cho luôn xì dầu, nước sốt Yaksik, đường nâu, bột quế, nước lọc hạt táo, mật ong, đường, dầu vừng vào trộn đều, sau đó cho táo ta, hạt dẻ, hạt thông vào và tiếp tục trộn đều.
5. Cho Yaksik vào trong nồi hấp, hấp tiếp ở lửa vừa. Hấp trong khoảng 9 phút ở lửa to, sau đó giảm xuống lửa vừa hấp trong 20 phút rồi lấy đũa đảo đều. Giảm xuống lửa nhỏ, hấp tiếp khoảng 20 phút nữa thì cho gia vị nêm nếm vừa vặn, trộn đều thêm một lần nữa và hấp thêm khoảng 10 phút nữa.
Ảnh: Cho lần lượt từ nguyên liệu đậm màu là xì dầu đến nguyên liệu nhạt màu là đường trắng vào cơm gạo nếp đã hấp chín một lần và trộn đều. Lúc này nếu cho đường nâu và đường trắng vào trộn chung thì sẽ tạo được hương vị. Các loại hạt như hạt dẻ, táo ta, hạt thông phải cho vào trộn sau thì mới không bị chín và nát. Có thể cho thêm vào đây nho khô.
Cách tốt nhất là hấp cơm gạo nếp trong nước sôi ở lửa vừa thì màu sắc và hương vị sẽ đậm hơn.
Không có nhận xét nào: